Ngẫm REVIEW Mắt Biếc - Có gì chờ đợi với phim chuyển thể từ truyện dài bị "ghét" nhất nhì Vũ Trụ Nguyễn Nhật Ánh?

REVIEW Mắt Biếc - Có gì chờ đợi với phim chuyển thể từ truyện dài bị "ghét" nhất nhì Vũ Trụ Nguyễn Nhật Ánh?

Đăng vào ngày trong Tin tức 3206

Bản thân sau khi xem phim, tôi rút ra kết luận, điểm thành công nhất của Mắt Biếc chính là đội ngũ PR, còn bản thân bộ phim, thì chỉ ở mức khá.

Cuối cùng, sau bao ngày không chờ đợi lắm, Mắt Biếc cũng đã ra rạp. Nói là không chờ đợi, bởi cá nhân người viết là fan của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đọc hết tất cả sách của chú, và cũng đã đi xem hai phim chuyển thể trước đó, nhưng không thỏa mãn. Tôi không trông chờ nhiều vào lần chuyển thể của Mắt Biếc, nhưng khi có quá nhiều đánh giá cao về nó, tôi tò mò, liệu rằng Victor Vũ và ekip đã làm thế nào để được lòng khán giả đến vậy. Nhưng thực tế, khi tôi bước ra khỏi rạp, rất nhiều những lời chê bai của khán giả cùng xem suất chiếu vào tai tôi đến từ những nhóm bạn, và có cả những đôi tình nhân phân tích diễn biến tâm lý các nhân vật chưa hợp lý... Bản thân sau khi xem phim, tôi rút ra kết luận, điểm thành công nhất của Mắt Biếc chính là đội ngũ PR, còn bản thân bộ phim, thì ở mức khá.

Dành cho những bạn không biết, chẳng có thống kê chi tiết nào cả, nhưng người viết từng đọc nhiều bài phỏng vấn từ tác giả, trong đó tiết lộ, Mắt Biếc là tác phẩm ít được độc giả thích nhất của chú. Lý do vì thời điểm đó, chú tạo ấn tượng với khán giả lứa tuổi học sinh bằng những câu chuyện hồn nhiên, vui tươi, còn Mắt Biếc thì quá buồn, còn Ngạn và Hà Lan thì quá lụy tình. Nhưng đây cũng là tác phẩm đầu tiên của chú được chuyển ngữ sang tiếng Nhật. Dịch giả là một người Nhật nghiên cứu tiếng Việt, và yêu những án văn giàu cảm xúc, giàu hình ảnh về làng quê Việt Nam của Mắt Biếc. Và tôi cũng thế, tôi thích Mắt Biếc bởi làng Đo Đo đẹp đến nao lòng, bởi những kỷ niệm thời thơ ấu chạm đến trái tim, và một câu chuyện không có hậu, nhưng có thể khiến người ta day dứt khôn nguôi vì nó quá thật. Cũng không quá khó hiểu khi Mắt Biếc được chọn chuyển thể, bởi bản thân câu chuyện tự nó đã ẩn chứa chất liệu điện ảnh hơn những tác phẩm khác rồi.

Quay trở lại bản điện ảnh, tôi hiểu ý đồ của nhà làm phim khi cô đọng hơn những thước phim về thời thơ ấu, lượt bớt những nhân vật phụ và Hà Lan trở thành tuổi thơ gần như duy nhất của Ngạn. Thế nhưng, cũng chính điều đó đã làm tôi thấy tiếc vô cùng. Cái tiếc thứ nhất, là giai đoạn thời thơ ấu đấy nó không ấn tượng mạnh như cách Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh từng làm được. Cái tiếc thứ hai, là điều làm cho tiểu thuyết Mắc Biết trở nên đặc biệt, không hẳn là do chuyện tình cảm, mà chính ở tình cảm tác giả dành cho Đo Đo, thông qua nhân vật Ngạn. Cả những nhân vật gắn liền với thời ấu thơ của Ngạn như bà, mẹ, người chị, người cô, thậm chí là thấy cô giáo... đều có số phận riêng, và đều là một phần hình thành nên tính cách của Ngạn, cũng như dẫn dắt Ngạn yêu thương Hà Lan nhiều như thế. Đôi khi còn do chính môi trường, những người xung quanh, những kỷ niệm từng trải qua trước khi Hà Lan xuất hiện.

Hình ảnh những người thầy mờ nhạt trong phim, mà trong truyện, đây là những người khiến Nhạn muốn trở thành thầy giáo, muốn gieo chữ ở Đo Đo. Tình yêu của Nhạn với Đo Đo gần như chỉ gắn với Hà Lan, còn trong truyện, Hà Lan là một phần quan trọng trong đó, nhưng không phải là tất cả. Trong phim, Ngạn chỉ có mình Hà Lan, vì vậy tình cảm của anh không hẳn là yêu, nó còn là một loại tín ngưỡng, làm nhân vật lúc thì cố chấp, lúc thì mù quáng, nhưng không đủ day dứt, ít nhất là đối với tôi.

Hai nhân vật khác xa với cảm nhận của tôi nhất thuộc về Dũng và Hà Lan. Nhân vật Dũng khi lên phim được xây dựng như một gã chỉ được cái đẹp trai, tán gái giỏi, còn Dũng trong truyện có những ưu điểm tinh tế tác giả xây dựng, mà phải đọc kỹ mới nhận thấy, nên Hà Lan hoàn toàn có lý do để yêu và chung tình đến dại khờ với Dũng, mang hình ảnh Dũng vào cả trong người chồng sau này. Trong phim, Hà Lan yêu Dũng đến dại khờ, mù quáng, nhưng nó chưa đủ thuyết phục.

Tôi biết, biên kịch đã làm mới nhân vật Hà Lan với tính cách vừa hướng nội vừa hướng ngoại, và giúp khán giả có cái nhìn cảm thông hơn về nhân vật này, so với đại đa số độc giả ghét một Hà Lan trong truyện. Thế nhưng, thay đổi thế nào, Hà Lan trong phim lại trở nên kỳ cục đến lạ. Như trong truyện, Hà Lan bị choáng ngợp bởi thành phố, khen phố thị đẹp, nhưng không phải kiểu ỏng ẹo chê này chê kia làng quê như trong phim. Về tổng thể, Hà Lan vẫn thế, nhưng từng chi tiết nhỏ đã làm Hà Lan trở nên khác xa nguyên tác. Ngay cả cách Hà Lan từ chối Ngạn cũng không giống nhau, dẫn đến cái kết khác nhau, mà tôi không tiện nêu ra, để các bạn tự xem và cảm nhận sẽ hay hơn.


Trước khi xem phim, tôi nghe mọi người kháo nhau, nhân vật đặc biệt nhất trong phim là Hồng, vốn không có trong tác phẩm gốc. Hồng là phiên bản nữ của Ngạn, yêu một người từ thuở bé đến khi 35 tuổi. Thế nhưng đây lại là nhân vật khiến tôi lấn cấn nhất. Hồng có thể là cái tên vu vơ mà biên kịch đặt ra, nhưng trong các truyện của chú Ánh, có một nhân vật Hồng rất ấn tượng với tôi. Đó là Hồng Chà Và của Hoa Hồng Xứ Khác. Tuy là nhân vật phụ, nhưng cách cô ấy hiện hữu làm cho người đọc thích thú, thậm chí, khi kết truyện, nhiều độc giả còn mong tác giả sẽ viết tiếp câu chuyện và cho nam chính thành đôi với Hồng. Tương tự, nhân vật Ung Dung trong Còn Chút Gì Để Nhớ cũng mang lại cho độc giả cảm giác tương tự. Còn Hồng của Mắt Biếc điện ảnh, lại chưa đủ để khán giả ước ao cô mới là người Ngạn chọn, cũng chưa đủ bi kịch để khán giả nuối tiếc cho cô. Có chăng, sự tươi sáng của diễn viên đã tạo được ấn tượng, nhưng cũng như con dao hai lưỡi, lấn át một nhân vật quan trọng khác: Trà Long.

Thật không đơn giản khi chuyển thể một tác phẩm từ những trang giấy lên thành hình ảnh, và cũng dễ hiểu khi biên kịch đã mạnh tay lượt bỏ nhiều ý hay trong phim, hoặc thể hiện nó theo một cách khác. Ngạn sáng tác rất nhiều, nhiều đến nỗi ngày còn nhỏ, tôi đã chép hết tất cả vào một cuốn sổ tay, như thể nó là tập thơ của riêng thôi. Nhưng khi lên phim, nó chỉ là một hai ca khúc nhỏ lẻ, lặp đi lặp lại.

Bối cảnh của Mắt Biếc được lựa chọn rất tốt, nhưng cách đạo diễn thu nó vào ống kính, lại đôi khi vụng về. Rừng Sim chưa đủ sắc tím, những con sông chưa đậm nét, những góc quay đôi khi bị rung... tất cả trở thành điểm trừ với những khán giả khắc khe. Hình ảnh trái thị có được nói trong phim sơ qua, nhưng trái thị ấy hái, cất cặp rồi mang ra ngửi là chưa đủ. Phải ăn, lột vỏ, dán lên trên vách tường như một bông hoa rồi ngày qua ngày nó khô đi. Đó là trò chơi của bọn trẻ con Đo Đo, trong đó có Nguyễn Nhật Ánh. Và rất nhiều những trò chơi nhỏ bé khác, đều không được miêu tả trong phim. Ngược lại, phần âm nhạc vốn đã tốt, lại đôi khi bị xử lý vụng về, và chưa thể đẩy hết cảm xúc khán giả.

Dù lượt bớt rất nhiều chi tiết trong truyện, nhưng hai tiếng của bản điện ảnh vẫn làm tôi có cảm giác lê thê, và một người bạn của tôi còn nhận xét là “buồn ngủ nhất trong số 10 phim bạn xem gần đây”. Chi tiết đậm đà ngôn tình nhất hẳn là câu nói của mẹ Hà Lan “Đời người có hai điều không thể bỏ lỡ, một là chuyến xe cuối, hai là người thật lòng yêu thương mình”. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng thời điểm đó, bối cảnh đó và tính cách đó mà mẹ Hà Lan có thể nói được câu như thế.

Tóm lại, về mặt đầu tư hình ảnh, màu sắc, các góc quay và cảnh trí của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vượt trội hơn hẳn. Điều mà hình ảnh của phim làm tốt chỉ có thể nói là tạo được cảm giác “buồn” cho người xem. Phần nhạc của Phan Mạnh Quỳnh được tạo ra rất tốt, nhưng đến điểm mấu chốt, cần dùng, thì những giai điệu da diết như cắt vào tim ấy lại không được sử dụng. Nói đi thì cũng phải nói lại, rõ ràng phim không thể làm hài lòng tất cả khán giả, nhưng đây là một bộ phim có đầu tư chỉn chu về nội dung cũng như dàn diễn viên.

Còn bạn, bạn xem phim khi đã đọc truyện rồi hay chưa? Để lại cảm nhận của bạn với tôi nhé.

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."